Mô Hình trường Học Thân Thiện

Mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực đang được chào đón tại các địa phương

Khi ánh nắng ban mai đầu tiên của một sáng tháng năm lấp lánh trên những chùm phượng vĩ, tại trường THCS Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Tây), GS. Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát động cuộc vận động “Xây dựng Trường học thân thiện, học sinh tích cực trong toàn ngành giáo dục để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm, trồng cây; Vì lợi ích trăm năm, trồng người”. Đó chính là sáng sớm ngày 15 tháng 5 năm 2008, nhân kỷ niệm 67 năm thành lập Đội TNTP và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh, và cũng chính ở một làng nghề nổi tiếng cả nước – làng Vạn Phúc, Hà Đông quê lụa, nơi đã đi vào lịch sử – tháng 12 năm 1946, Bác Hồ đã viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến – mô hình Trường học thân thiện, học sinh tích cực được chính thức ra đời.

Trường học thân thiện là một mô hình trường học do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đề xướng, xây dựng và triển khai từ vài thập kỷ nay ở nhiều nước trên thế giới và đã thu được những kết quả tốt đẹp. ở cấp THCS Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phối hợp với UNICEP tổ chức thí điểm xây dựng mô hình trường học thân thiện tại 50 trường học, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tiến hành mở rộng mô hình này ở cấp tiểu học và THCS cho khoảng trên 200 trường học để từ đó các địa phương tiếp tục nhân rộng.

Tôi biết, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà đích thân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc vận động lớn này. Vụ Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Công tác HSSV, Dự án Phát triển giáo dục THCS II… là những đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo thí điểm mô hình này. Đêm 14 tháng 5, trong không khí sôi động kỷ niệm lần thứ 118 Ngày sinh của Bác, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển còn rà soát lại thật kỹ lưỡng các văn bản liên quan đến Chương trình Lễ phát động. Chúng ta nhớ lại, đúng 42 năm trước, tại cuộc nói chuyện với Lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành uỷ Hà Nội tổ chức (ngày 14/5/1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác- Lê nin được”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.12, tr.555). Và cũng chính trong sáng tháng năm ấy, sau một năm nghiền ngẫm, suy nghĩ viết bổ sung vào Di chúc đầu tiên khởi thảo vào tháng 5 năm 1965, trong phần “Trước hết nói về Đảng”, Bác Hồ chỉ dặn thêm một câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Trường học thân thiện, trước hết phải là nơi tiếp nhận tất cả trẻ em trong độ tuổi qui định nhất là Tiểu học, THCS là các cấp phổ cập, đến trường. Nhà trường phải tạo điều kiện để thực hiện bình đẳng về quyền học tập cho thanh, thiếu niên. Trường học thân thiện phải là trường học có chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục không ngừng được nâng cao. Các thầy, cô giáo phải thân thiện trong dạy học, thân thiện trong đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh, đánh giá công bằng, khách quan với lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo. Các thầy, cô giáo trong quá trình dạy học, phải thân thiện với mọi năng lực thực tế của mọi đối tượng học sinh, để các các em tự tin bước vào đời. Trường học thân thiện phải là trường học có môi trường sống lành mạnh, an toàn tránh được những bất trắc, nguy hiểm đe dọa học sinh. Trường học thân thiện phải là trường học có cơ sở vật chất đảm bảo các quyền tự nhiên thiết yếu con người: đủ nước sạch, ánh sáng, phòng y tế, nhà vệ sinh, sân chơi, bãi tập, v.v… Trường học thân thiện phải là trường tạo lập sự bình đẳng giới, xây dựng thái độ và giáo dục hành vi ứng xử tôn trọng bình đẳng nam nữ. Trường học thân thiện phải chú trọng giáo dục kỹ năng sống, giáo dục cho học sinh biết rèn luyện thân thể, biết tự bảo vệ sức khỏe, biết sống khỏe mạnh, an toàn. Trường học thân thiện phải là nơi huy động có hiệu quả sự tham gia của học sinh, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh, của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị kinh tế và nhân dân địa phương nơi trường đóng cùng đồng lòng, đồng sức xây dựng nhà trường.

Mục đích chủ yếu và ý nghĩa quan trọng nhất của việc xây dựng trường học thân thiện là tạo nên một môi trường giáo dục (cả về vật chất lẫn tinh thần) an toàn bình đẳng, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập, góp phần đảm bảo quyền được đi học và học hết cấp của học sinh, nâng cao chất lược giáo dục trên cơ sở tập trung mọi nỗ lực của nhà trường vì người học, với các mối quan tâm thể hiện thái độ thân thiện và tinh thần dân chủ. Trong môi trường trường học thân thiện, trẻ em sẽ cảm nhận được sự thoải mái khi việc học của mình vừa gắn với kiến thức trong sách vở, vừa thông qua sự thâm nhập, trải nghiệm của chính bản thân trong các hoạt động ngoại khóa, trong các trò chơi dân gian, các hoạt động tập thể vui mà học. Như thế, mỗi ngày trẻ em đến trường là một ngày vui.

Trường học thân thiện gắn bó chặt chẽ với việc phát huy tính tích cực của học sinh. Trong môi trường phát triển toàn diện đó, học sinh học tập hứng thú, chủ động tìm hiểu kiến thức dưới sự dìu dắt của người thầy, gắn chặt giữa học và hành, biết thư giãn khoa học, rèn luyện kỹ năng và phương pháp học tập, trong đó những yếu tố hết sức quan trọng là khả năng tự tìm hiểu, khám phá, sáng tạo.

Vào những ngày giữa tháng sáu, trong một chuyến đi của Dự án VVOB, tôi có khảo sát một vài mô hình trường học thân thiện ở Bali, một thành phố du lịch nổi tiếng của Indonesia. Trường tôi đến có tên là Green School, ở Si bang Kaja, Bali. Trường nằm xinh xắn trên một vạt đồi đi hàng tiếng đồng hồ chưa hết. Lớp học được xây dựng bằng các loại tre nứa có hình dáng những con tàu đang vượt đại dương. Có nương bắp, vườn hoa để học sinh thực nghiệm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cỏ hoa, gần gũi thiên nhiên. Có thác nước để học sinh hình dung các chuyển động và định luật của vật lý. Có khu liên hợp đa chức năng rộng hàng ngàn mét vuông để học sinh luyện tập sức khỏe, thư giãn khoa học. Trong mỗi lớp học thiết kế cho 18-20 học sinh, chiếc bàn được quay đầu lại từng đôi một, để học sinh có thể trò chuyện, trao đổi. Ông Brad Choyt, hiệu trưởng đã tiếp, dẫn chúng tôi tham quan trường cả buổi sáng và giải thích ngôi trường có biệt hiệu là Kul- Kul nghĩa là một hồi chuông gióng thông điệp mời chào thân thiện đến các nơi trên trái đất.

Trong cuộc vận động xây dựng Trường học thân thiện, học sinh tích cực, vai trò người hiệu trưởng – con chim đầu đàn trong đội ngũ nhà giáo, tấm gương về đạo đức tự học và sáng tạo, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch tổ chức Đề án bồi dưỡng 30.000 hiệu trưởng phổ thông theo hình thức liên kết Việt Nam – Singapore. Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Học viện quản lý giáo dục, Trường Cán bộ quản lý giáo dục… đang khẩn trương hoàn thiện chương trình, tài liệu trình Lãnh đạo Bộ ký Quyết định ban hành chương trình chính thức để triển khai bồi dưỡng cho 30.000 hiệu trưởng phổ thông; Thực hiện kế hoạch này, chúng ta từng bước xây dựng đội ngũ hiệu trưởng phổ thông có phẩm chất đạo năng lực quản lý đáp ứng yêu cầu của giáo dục trong thời kỳ phát triển mới và chắc chắn phải đáp ứng được việc triển khai mô hình “Trường học thân thiện” ở cơ sở.

Trong ngành giáo dục nước ta, đã và đang triển khai ba cuộc vận động lớn. Triển khai cuộc vận động “Hai không” với những nội dung cụ thể, sẽ khắc phục được những tiêu cực, thiếu sót của ngành. Triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với một lộ trình chặt chẽ, ngành giáo dục có một đội ngũ nhà giáo có đạo đức, năng lực chuyên môn và sáng tạo.Với cuộc vận động “Xây dựng Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các thế hệ học sinh năng động, tích cực dưới sự dạy dỗ của các thầy, cô giáo được học tập trong môi trường Trường học thân thiện, sẽ là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Tế

(Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý Giáo dục TP. HCM)

DẠY HỌC TƯƠNG TÁC

Leave a comment