LỊCH SỬ

LỜI ĐỀ TỰA

CỦA GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIÀU

Một dân tộc mà đời đời tôn tại và phát triển, một dân tộc mà nở mày nở mặt được với các dân tộc khác trên thế giới, trước hết là nhờ cái quốc học của mình. Quốc học của một dân tộc, dầu nhỏ dầu lớn, đều luôn luôn gồm có lịch sử, văn chương, tư tưởng (tín ngưỡng) của riêng mình. Ba bộ phận ấy của quốc học như cái thế chân vạc, đỡ chiếc đỉnh mãi mãi không dứt khói hương. Chúng ta có thể tự hào mà nói rằng, những sáng tác mang tính văn học đầu tiên của người Việt Nam là sáng tác về đề tài lịch sử, thấm nhuần tư tưởng yêu nước thương nòi. Đọc các truyền thuyết, thần thoại, cổ tích thì rõ. Và xưa nay, ông bà ta luôn luôn cho rằng, để giáo dục các hệ con cháu, không gì hơn là dạy lịch sử: lịch sử dân tộc, lịch sử quê hương, lịch sử gia đình, lịch sử các vị anh hùng, nam và nữ

THẾ THỨ CÁC TRIỀU ĐẠI Ở BUỔI ĐẦU CỦA KỶ NGUYÊN ĐỘC LẬP VÀ TỰ CHỦ

(ĐẦU THẾ KỶ THỨ X ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XI)

Tác giả: Nguyễn Khắc Thuần

II. CHÍNH QUYỀN DƯƠNG ĐÌNH NGHỆ (931 – 937)

1. Lý lịch xuất thân: Dương Đình Nghệ (cũng có sách viết là Dương Diên Nghệ, có lẽ vì trong Hán tự, mặt chữ Đinh và chữ Diên gấn giống nhau nên nhầm lẫn mà ra), quê ở làng Ràng, xã Dương Xá, nay thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, sinh năm nào không rõ. Dưới thời họ Khúc, Dương Đình Nghệ vừa là hào trưởng của đất Dương Xá, vừa là một trong những bộ tướng của họ Khúc.

2. Sự nghiệp chính trị: Khi quân Nam Hán xâm lược và đô hộ nước ta, Dương Đình Nghệ quyết chí nổi dậy giành độc lập. Sử cũ cho biết, ông nuôi đến 3000 nghĩa tử (con nuôi) trong nhà, đồng thời, ra sức hiệu triệu hào kiệt bốn phương hợp sức xướng nghĩa. Những nhân vật nổi tiếng đương thời như: Ngô Quyền ở Phong Châu (nay thuộc Sơn Tây, Hà Tây), Đinh Công Trứ ở Trường Châu (Ninh Bình)… đều theo về với Dương Đình Nghệ.

Năm 931, Dương Đình Nghệ đem quân ra quét sạch bọn đô hộ Nam Hán, tái lập nền độc lập và tự chủ. Ông tự xưng là tiết độ sứ, cử Đinh Công Trứ làm thứ sử Hoan Châu, Ngô Quyền làm thứ sử Ái Châu.

Tháng 4 năm 937, Dương Đình Nghệ bị một bộ tướng, cũng là con nuôi của ông giết chết để giành quyền. Kẻ phản bộ đó là Kiều Công Tiển. Đất nước đứng trước một nguy cơ nghiêm trọng mới.

Dương Đình Nghệ cầm quyền được 7 năm; thọ bao nhiêu tuổi không rõ.

III. THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN NGÔ VƯƠNG (938 – 965)

1. Tiền Ngô Vương (938 – 944)

– Họ tên: Ngô Quyền

– Sinh năm: Mậu Thân ( 898 ) tại Phong Châu (nay thuộc Hà Tây). Cha là Ngô Mân, nguyên là hào trưởng của vùng này.

– Lý lịch chính trị trước khi xưng vương: năm 931, hưởng ứng lời hiệu triệu của Dương Đình Nghệ, ông vào Thanh Hoá được Dương Đình Nghệ giữ làm nha tướng và gả con gái cho. Khi Dương Đình Nghệ cầm quyền, ông được phong làm thứ sử Ái Châu. Năm 937, khi Kiều Công Tiễn giết chết Dương Đình Nghệ, ông đem quân ra giết chết Kiều Công Tiễn và sau đó, đánh tan quân Nam Hán xâm lăng ở trận Bạch Đằng lịch sử (năm 938). Sau chiến thắng, ông lên ngôi.

– Năm Kỉ Hợi (939), Ngô Quyền xưng vương, (sử gọi là tiền Ngô Vương) đóng đô ở Cổ Loa. Con gái của Dương Đình Nghệ là Dương Thị Như Ngọc được phong làm hoàng hậu.

– Thời gian ở ngôi: 6 năm (938 – 944).

– Ngô Quyền mất năm Giáp Thìn (944) thọ 46 tuổi.

2. Dương Bình Vương (945 – 950)

– Họ tên: Dương Tam Kha (con của Dương Đình Nghệ và là anh vợ của Ngô Quyền). Sinh và mất năm nào không rõ.

– Lên ngôi năm 945. Bấy giờ, Dương Tam Kha nhận di chiếu lo giúp rập con của Ngô Quyền, nhưng đã cướp ngôi và xưng là Dương Bình Vương. Con trưởng của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập hoảng sợ chạy trốn về Nam Sách (nay thuộc Hải Dương). Dương Tam Kha nhận con thứ của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn làm con nuôi, còn các con khác của Ngô Quyền như: Ngô Nam Hưng, Ngô Càn Hưng thì còn bé nên giao cho bà Dương Thị Như Ngọc nuôi.

– Năm Canh Tuất (950): Dương Tam Kha bị Ngô Xương Văn lật đổ và bị giáng làm Chương Dương Công, cho được hưởng thực ấp ở Chương Dương (nay thuộc Thường Tín, Hà Tây).

– Dương Bình Vương ở ngôi 5 năm, sau mất năm nào, thọ bao nhiêu tuổi không rõ.

3. Hậu Ngô Vương (951 – 965)

– Họ tên: Ngô Xương Văn (con thứ của tiền Ngô Vương; mẹ là Dương thái hậu, tức bà Dương Thị Như Ngọc), sinh năm nào không rõ.

– Lên ngôi năm Tân Hợi (951), xưng là Nam Tấn Vương.

– Cũng trong năm 951, Nam Tấn Vương cho người đi đón anh ruột là Ngô Xương Ngập (trước đó đó đi lánh nạn ở Dương Tam Kha) về cùng trông coi việc nước. Ngô Xương Ngập về, xưng là Thiên Sách Vương. Vì lẽ đó, thời hậu Ngô Vương đồng thời có hai vua.

– Năm Ất Sửu (965), Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn bị tử trận khi đem quân đi đánh ở Thái Bình. Trước đó (năm Giáp Dần, 954) Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập cũng đã mất vì bệnh. Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương thọ bao nhiêu tuổi không rõ.

– Từ khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn mất, đất nước lâm vào thời kì hỗn chiến loạn lạc, sử gọi là loạn mười hai sứ quân. Con của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập lên nối ngôi, rốt cuộc cũng chỉ thực sự là một trong số 12 sứ quân mà thôi.

Chính quyền họ Ngô tồn tại trước sau 27 năm, gồm 4 đời vua, trong đó có một vua khác họ (Dương Bình Vương) và hai vua cùng đồng thời ở ngôi là Nam Tấn Vương và Thiến Sách Vương.

Thời Ngô Vương, vì muốn có khu vực địa lí khép kín, thuận lợi cho công cuộc phòng thủ, Ngô Quyền đã cắt Thang Châu, Chi Châu, Vũ An Châu và Vũ Nga Châu trả về cho Trung Quốc, bởi thế, lãnh thổ nước ta có phần hẹp hơn đất đai của An Nam Đô Hộ Phủ do nhà Đường lập ra.

Không thấy sử chép số dân nước ta thời Ngô Vương.

4. Danh sách 12 sứ quân

01- Ngô Xương Xí (con của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập) chiếm giữ đất Bình Kiều, nay thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

02- Trần Lãm (xưng Trần Công Minh), chiếm giữ đất Bố Hải Khẩu (nay thuộc Tiền Hải, Thái Bình). Đinh Bộ Lĩnh là thuộc tướng của Trần Lãm.

03- Nguyễn Thủ Tiệp (xưng là Nguyễn Lệnh Công) chiếm giữ vùng Tiên Du, Bắc Ninh.

04- Lý Khuê (xưng là Lý Lãng Công) chiếm giữ vùng đất Siêu Loại, nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh.

05- Lã Đường (xưng là Lã Tá Công) chiếm giữ vùng đất Tế Giang, nay thuộc tỉnh Hưng Yên.

06- Phạm Bạch Hổ (xưng là Phạm Phòng Át) chiếm giữ vùng đất Đằng Châu, nay thuộc Hưng Yên.

07. Nguyễn Siêu (xưng là Nguyễn Hữu Công) chiếm giữ vùng đất Phù Liệt, nay là huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.

08- Nguyễn Khoan (xưng là Nguyễn Thái Bình) chiếm giữ vùng Tam đới, nay thuộc Vĩnh Phúc.

09- Kiều Công Hãn (xưng là Kiều Tam Chế), chiếm giữ vùng Phong Châu, nay là Phú Thọ.

10- Kiều Thuận (xưng là Kiều Lệnh Công) chiếm giữ vùng Cẩm Khê, nay thuộc vùng giáp giới giữa Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

11- Đỗ Cảnh Thạc, chiếm giữ vùng Đỗ Động Giang, nay thuộc Thanh Oai, Hà Tây.

12- Ngô Nhật Khánh (xưng là Ngô Lãm Công) chiếm giữ vùng Đường Lâm, nay thuộc Hà Tây.

Leave a comment